Monday, January 18, 2016

Thủ Tục Nhập Hộ Khẩu Vào Thành Phố Hồ Chí Minh

Mình viết bài này trong bối cảnh mình chưa có đăng ký thường trú tại thành phố Hồ Chí Minh do mình là dân tỉnh. Sau đó mình có chỗ ở hợp pháp và đã thực hiện đăng ký tạm trú KT3 cho cả gia đình tại chỗ ở này. Giờ mình thực hiện đăng ký thường trú cho cả gia đình tại chỗ ở hợp pháp này tại thành phố Hồ Chí Minh.

Bài viết khá dài, các bạn chịu khó xem kỹ các bước thủ tục. Nếu có sai sót, mỗi lần bạn đi nộp hồ sơ trên quận thì người tiếp nhận hồ sơ chỉ chỉ ra một lỗi. Khi sửa xong lỗi đó rồi đi nộp lại thì chỉ ra lỗi tiếp theo. Mình nộp hồ sơ thì gặp tình trạng như vậy đó. Mình đi 4 lần (hỏi thủ tục + sửa sai hồ sơ) mới nộp được hồ sơ. Mong rằng mọi người sẽ làm đúng để đỡ tốn thời gian đi lại.

Điều kiện được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương

  • chỗ ở hợp pháp tại thành phố trực thuộc trung ương. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản. Riêng các trường hợp đăng ký tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh phải đảm bảo diện tích tối thiểu 5m2 sàn/01 người.

  • Có thời gian tạm trú liên tục tại thành phố trực thuộc Trung ương từ một năm trở lên đối với trường hợp đăng ký thường trú vào huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương; từ hai năm trở lên với trường hợp đăng ký thường trú vào quận thuộc thành phố trực thuộc Trung ương.

  • Nơi đề nghị đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú. Điều này có nghĩa là bạn phải đăng ký tạm trú trước rồi sau đó mới đăng ký thường trú được.

Nơi nộp hồ sơ đăng ký thường trú

‐ Đối với thành phố trực thuộc Trung ương thì nộp hồ sơ tại Công an huyện, quận, thị xã.

‐ Đối với tỉnh thì nộp hồ sơ tại:

  • Công an xã, thị trấn thuộc huyện.
  • Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Hồ sơ đăng ký thường trú

  • Bản khai nhân khẩu (mẫu HK01). Người đăng ký thường trú từ đủ 14 tuổi trở lên bắt buộc phải khai mẫu này.

  • Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu (mẫu HK02).

    Lưu ý:

    • Có bao nhiêu "Giấy chuyển hộ khẩu" thì phải làm bấy nhiêu "Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu (mẫu HK02)". Cùng địa chỉ thường trú mới được làm chung một tờ Phiếu báo (mẫu HK02).

    • Thống nhất người đứng tên chủ hộ: Tại mục "Ý KIẾN CỦA CHỦ HỘ(3)" trong (mẫu HK02) người chồng/vợ không đứng tên chủ hộ phải xác nhận đồng ý cho người còn lại đứng tên chủ hộ và ghi vào nội dung tương tự như sau: "Tôi tên là ABC đồng ý cho chồng/vợ tôi là XYZ đứng tên chủ hộ" rồi ký và ghi họ tên.

  • Giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp. Nộp bản sao y.

  • Bản chính sổ tạm trú tại địa phương muốn đăng ký thường trú. Bạn phải chứng minh được đã tạm trú liên tục tại thành phố Hồ Chí Minh: 1 năm nếu nhập hộ khẩu vào huyện; 2 năm nếu nhập hộ khẩu vào quận. Có thể dùng nhiều sổ tạm trú cộng dồn thời gian tạm trú lại miễn sao thời gian tạm trú thỏa điều kiện quy định.

  • Bản photo chứng minh nhân dân, bản photo giấy kết hôn, khai sanh ... để chứng minh nhân thân và mối quan hệ gia đình.

  • Giấy chuyển hộ khẩu. Bạn phải nộp giấy này khi bạn chuyển nơi thường trú ra:

    ‐ Ngoài phạm vi xã, thị trấn của huyện thuộc tỉnh.

    ‐ Ngoài phạm vi huyện, quận, thị xã của thành phố trực thuộc Trung ương.

    ‐ Ngoài phạm vi thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

    Lưu ý: Tất cả giấy tờ chỉ cần nộp bản photo. Nhớ đem theo bản chính để đối chiếu (nếu đã chứng thực sao y thì không cần đem bản chính).

Thời hạn giải quyết

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ (theo Chương III, Mục 1, Điều 11, trang 5 của Thông tư số 80/2011/TT-BCA ngày 15-12-2011 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về quy trình đăng ký cư trú).

Lệ phí đăng ký thường trú

Nộp lệ phí theo quy định của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh/thành. Ở thành phố Hồ Chí Minh thì thu theo Quyết định số 100/QĐ-UBND ngày 22-12-2009 của UBND thành phố Hồ Chí Minh. Cụ thể như sau:

  • Trường hợp miễn thu: Miễn lệ phí cấp sổ hộ khẩu lần đầu, tách sổ hộ khẩu.
  • Trường hợp thu phí:
  • Lệ phí đăng ký cư trú. Đơn vị tính: VND/lần
    Số TT Danh mục lệ phí Quận thu Huyện thu
    1
    • Đăng ký thường trú nhưng không cấp sổ hộ khẩu.
    • Đăng ký tạm trú cả hộ.
    • Đăng ký tạm trú 1 người nhưng không cấp sổ tạm trú.
    10.000 5.000

    Vấn đề phát sinh khi chuyển hộ khẩu từ tỉnh vào Thành phố Hồ Chí Minh

    Theo Điều 5 Nghị định 05/1999/NĐ-CP về Chứng minh nhân dân, khi chuyển nơi đăng ký thường trú ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì phải thực hiện làm lại CMND (đổi số CMND). Theo Luật Căn cước công dân (ban hành ngày 20 tháng 11 năm 2014) có hiệu lực từ ngày 01/01/2016 thì đổi sang dùng Thẻ căn cước.


    Lưu ý: Các thông tin trong bài viết chỉ đúng đến thời điểm đăng bài này. Sau thời điểm đăng bài, các quy định của pháp luật có thể thay đổi. Các cá nhân sử dụng thông tin trong bài viết này để làm thủ tục cho bản thân/người thân cần tra cứu lại các quy định của pháp luật ở thời điểm hiện tại. Xin cám ơn.


    Link tham khảo: Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội

    Xem thêm bài: Thủ Tục Làm Thẻ Căn Cước Công Dân

    Đặt phòng tại Agoda 
    Đặt phòng tại Booking 
    Booking.com
    Mua hàng trực tuyến tại 

    Thủ Tục Chuyển Hộ Khẩu

    Làm thủ tục chuyển hộ khẩu để nhận được "Giấy chuyển hộ khẩu" (Mẫu HK07 ban hành theo Thông tư số 36/2014/TT-BCA ngày 9/9/2014). Có giấy này chúng ta mới làm thủ tục đăng ký thường trú ở nơi ở mới.

    Khi nào thì cần Giấy chuyển hộ khẩu

    Khi chuyển nơi thường trú ra:

    • Ngoài phạm vi xã, thị trấn của huyện thuộc tỉnh.
    • Ngoài phạm vi huyện, quận, thị xã của thành phố trực thuộc Trung ương.
    • Ngoài phạm vi thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

    Hồ sơ chuyển hộ khẩu

  • Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu (mẫu HK02).

  • Sổ hộ khẩu.
  • Lưu ý: Hồ sơ chỉ đơn giản vậy thôi. Không thêm bất cứ giấy tờ nào hết. Vợ mình nộp hồ sơ ở thành phố thuộc tỉnh thì được giải quyết. Nhưng mình nộp hồ sơ ở xã thuộc huyện thì lại không được, đòi thêm giấy tờ nhà mới chịu cấp giấy chuyển cho mình (người tiếp nhận hồ sơ ở xã nói hướng dẫn ở đây là vậy). Bó tay.

    Nơi nộp hồ sơ chuyển hộ khẩu

  • Đối với thành phố trực thuộc Trung ương thì nộp hồ sơ tại Công an huyện, quận, thị xã.

  • Đối với tỉnh thì nộp hồ sơ tại:

    • Công an xã, thị trấn thuộc huyện.
    • Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

    Thời hạn giải quyết

    Trong thời hạn 2 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền phải cấp giấy chuyển hộ khẩu cho công dân.

    Lệ phí

    Không thu lệ phí cấp giấy chuyển hộ khẩu.


    Lưu ý: Các thông tin trong bài viết chỉ đúng đến thời điểm đăng bài này. Sau thời điểm đăng bài, các quy định của pháp luật có thể thay đổi. Các cá nhân sử dụng thông tin trong bài viết này để làm thủ tục cho bản thân/người thân cần tra cứu lại các quy định của pháp luật ở thời điểm hiện tại. Xin cám ơn.


    Xem thêm Thủ Tục Nhập Hộ Khẩu Vào Thành Phố Hồ Chí Minh

    Link tham khảo: Cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội

    Đặt phòng tại Agoda 
    Đặt phòng tại Booking 
    Booking.com
    Mua hàng trực tuyến tại 

    Thursday, January 14, 2016

    Thủ Tục Đăng Ký Tạm Trú

    Mình viết bài này trong bối cảnh mình và gia đình đang sống ở một chổ và có sổ tạm trú KT3 tại nơi đang ở. Sau đó cả nhà chuyển đi đến ở chổ mới và thực hiện đăng ký tạm trú KT3 tại nơi ở mới.

    Cắt tạm trú nơi ở cũ, làm tạm trú tại nơi ở mới

    Nếu bạn đang tạm trú tại xã/phường A, giờ bạn muốn chuyển tạm trú tới nơi ở mới tại xã/phường B. Thì trước tiên bạn phải tiến hành thủ tục cắt tạm trú tại A, chuyển tạm trú tới B. Trình tự như sau:

    • Tại Công an xã/phường A nộp các giấy tờ sau (nơi cắt tạm trú):
      • Sổ tạm trú.

      • Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu (mẫu HK02).

        Sau khi nhận đủ hồ sơ thì ra giấy hẹn. Đến ngày hẹn cầm giấy hẹn lên lấy lại sổ tạm trú đã được ký tên đóng dấu cắt tạm trú. Photo 2 bản sổ tạm trú vừa nhận. Nộp 2 bản photo và lệ phí là 10,000 đồng.

    • Tại Công an xã/phường B nộp các giấy từ sau (nơi đăng ký tạm trú mới):
      • Bản khai nhân khẩu (mẫu HK01). Người tạm trú từ đủ 14 tuổi trở lên bắt buộc phải khai mẫu này. Lưu ý: Biểu mẫu không có yêu cầu dán hình nhưng công an khu vực yêu cầu dán hình chân dung 3x4cm của người khai vào tờ khai này.

      • Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu (mẫu HK02).

      • Giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp. Chỉ nộp bản photo.

      • Bản photo chứng minh nhân dân, bản photo sổ tạm trú đã cắt tạm trú ở nơi cũ, bản photo giấy kết hôn, khai sanh ... để chứng minh nhân thân và mối quan hệ gia đình.

    Lưu ý:

    • Tất cả giấy tờ chỉ cần nộp bản photo. Nhớ đem theo bản chính để đối chiếu (nếu đã chứng thực sao y thì không cần đem bản chính). Lưu ý về sao y: Bây giờ sao y tại phường/xã không còn phải giữ lại 1 bản lưu nữa, nên cần sao y bao nhiêu bản thì photo bấy nhiêu bản (KHÔNG cần phải photo dư 1 bản để phường/xã lưu).

    • Nên làm thủ tục cắt tạm trú trước khi chính thức chuyển chổ ở. Nếu không làm trước khi chuyển thì khi chuyển đi chổ khác rồi bạn phải quay lại làm thủ tục cắt tạm trú, đi lại xa xôi mất rất nhiều thời gian và công sức. Như trường hợp mình, công an xã hẹn mình 2 tuần mới lấy kết quả.

    • Ngày đầu tiên đến ở nên đem CMND ra công an phường/xã ghi tên vào sổ lưu trú. Sau này làm tạm trú công an không có cớ ngâm hồ sơ tạm trú, bắt phải lưu trú một thời gian rồi mới chịu làm tạm trú.

    • Sổ tạm trú cũng liên quan đến hạn mức nước sinh hoạt. Hạn mức nước sinh hoạt dành cho nhà chung cư mới là 0 m3. Toàn bộ lượng nước sinh hoạt đã sử dụng được áp giá vượt định mức cấp 2 (giá gấp đôi với giá trong định mức). Do vậy bạn phải làm sổ tạm trú gấp để làm thủ tục với công ty cấp nước lấy hạn mức nước sinh hoạt cho từng nhân khẩu.

    Thời hạn giải quyết

    03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ (theo Chương IV, Điều 21, Trang 17 của Thông tư số 80/2011/TT-BCA ngày 15-12-2011 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về quy trình đăng ký cư trú).

    Nói như trên chỉ là về mặt giấy tờ thôi, thực tế thì khác. Trường hợp thực tế của mình: nộp hồ sơ tạm trú cho người tiếp dân ở trụ sở công an phường xong thì không có biên nhận nhận hồ sơ. Người tiếp dân nói thiếu đủ gì thì anh công an khu vực sẽ điện thoại báo (buổi sáng đó anh công an khu vực đang họp giao ban). Qua ngày hôm sau mình điện thoại cho anh công an khu vực hỏi thăm hồ sơ của mình thì được anh trả lời là đã xem qua, khi nào có thì anh sẽ điện thoại báo cho biết. Gần cả tuần sau ngày nộp hồ sơ mình mới nhận được sổ tạm trú.

    Lệ phí đăng ký tạm trú tại Tp. Hồ Chí Minh

    Thu theo Quyết định số 100/QĐ-UBND ngày 22-12-2009 của UBND thành phố Hồ Chí Minh.

    Lệ phí đăng ký cư trú. Đơn vị tính: VND/lần
    Số TT Danh mục lệ phí Quận thu Huyện thu
    1
    • Đăng ký thường trú nhưng không cấp sổ hộ khẩu.
    • Đăng ký tạm trú cả hộ.
    • Đăng ký tạm trú 1 người nhưng không cấp sổ tạm trú.
    10.000 5.000

    Đối diện với sự nhũng nhiễu (nếu có)

    Điện thoại đường dây nóng Công an TP.Hồ Chí Minh: (08) 3838-7344 (08) 3920-1605


    Lưu ý: Các thông tin trong bài viết chỉ đúng đến thời điểm đăng bài này. Sau thời điểm đăng bài này, các quy định của pháp luật có thể thay đổi. Các cá nhân sử dụng thông tin trong bài viết này để làm thủ tục cho bản thân/người thân cần tra cứu lại các quy định của pháp luật ở thời điểm hiện tại. Xin cám ơn.


    Link tham khảo: Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội hoặc Công an TP.Hồ Chí Minh
    Đặt phòng tại Agoda 
    Đặt phòng tại Booking 
    Booking.com
    Mua hàng trực tuyến tại