Monday, October 26, 2015

Kinh Nghiệm Học Thiền Vipassana Tại Trung tâm UNESCO Bồi dưỡng Kỹ năng sống & Ứng dụng Thiền Vipassana (Ucenlist-VMA) (cơ sở 2) Củ Chi, Tp Hồ Chí Minh.

Trang chủ về thiền Vipassana tại Việt Nam: http://www.vn.dhamma.org/

Ghi danh: https://www.dhamma.org/vi/schedules/noncenter/vn

Thiền Vipassana do Thiền sư S.N. Goenka (Satya Narayan Goenka) Giảng Dạy theo truyền thống của Sayagyi U Ba Khin.

Thiền sư S.N. Goenka

Thiền sư S.N. Goenka (30/01/1924 - 29/09/2013)

Cách đi đến Ucenlist-VMA (cơ sở 2) Củ Chi

Tự đi xe gắn máy tới. Tuy nhiên nhà để xe gắn máy hơi chật.

Đi xe du lịch do Trung tâm Ucenlist-VMA hợp đồng sẳn. Đón tại Siêu Thị Maximark Cộng Hòa. Tiền vé phụ thuộc vào số lượng người đăng ký đi xe (tiền hợp đồng xe/số lượng người đi). Gần đến ngày đi Trung tâm Ucenlist-VMA sẽ gởi mail để đăng ký đi theo hình thức này.

Bạn có thể đến bến xe Củ Chi rồi gọi xe ôm theo như hướng dẫn trong mail chấp thuận tham dự khóa thiền Vipassana. Lúc mình đi thì mình đi tiếp xe buýt 101, rồi kêu họ cho xuống ở ngã ba Cây Trôm Mỹ Khánh. Họ cho mình xuống 1 ngã 3 trên đường mà mình hỏi dân địa phương không ai biết về chổ thiền Vipassana này hết. Hỏi tiếp về “Trường Đại học Văn Hóa Nghệ Thuật và Du Lịch Sài Gòn” cũng không ai biết (ngày về mình ra thì thấy chỉ có cái cổng và bảng tên trường thôi còn trường thì chưa xây). Cuối cùng hỏi một anh thợ hồ gần đó ảnh chỉ đi bộ tiếp 500m tới nhà thờ Mỹ Khánh là cuối đường Cây Trôm Mỹ Khánh. Mình đi đến nhà thờ rồi gọi điện cho người nhà lấy số điện thoại của anh xe ôm để anh ta đưa mình vô chổ thiền Vipassana. Ở đây là đồng quê nên xe ôm rất hiếm. Bạn nên lưu số điện thoại của xe ôm như hướng dẫn trong mail chấp thuận. Rồi gọi anh xe ôm từ bến xe Củ Chi cho thuận lợi. Có thể đem theo nón bảo hiểm để bận về có thể quá giang người nào đó đi xe gắn máy đến. Mình quên bỏ lại nón bảo hiểm lúc lên xe buýt nhờ vậy mà chiều về mình có nón bảo hiểm để quá giang một chú đi xe gắng máy có lộ trình đi về giống mình.

Điều kiện sinh hoạt ở Ucenlist-VMA (cơ sở 2) Củ Chi

Có 2 khu nhà riêng biệt cho Nam và Nữ. Ở giữa 2 khu nhà này là thiền đường. Từ khu nhà ở qua thiền đường có mái che nên không bị ảnh hưởng bởi mưa nắng. Nên không cần phải đem theo dù (ô). Đèn pin cũng không cần đem theo. Ở mỗi block nhà chia ra thành các khu vực sau:

  • Khu nhà ăn: Tầng trệt là nhà ăn. Mỗi người có một bộ dụng cụ ăn gồm: khai inox 30x30cm, 1 ly, 1 chén, 1 dĩa, 1 tô (ly, chén, dĩa, tô là hàng gốm sứ Minh Long 1), 1 đôi đũa, 1 muỗng ăn cơm và 1 muỗng cafe. Ăn xong mọi người tự rửa chén của mình rồi để lại chổ ngồi ăn.

  • Khu nhà ở: Lầu 1 và 2 là khu nhà ở. Mỗi phòng có 4 giường cá nhân. Mỗi giường có nệm, chiếu, gối, mùng, mền. Mỗi giường có kệ nhỏ để đồ cá nhân. Trong mỗi phòng có một quạt xoay chiều gắn trên trần nhà. Mỗi phòng có một nhà vệ sinh nằm tách biệt với phòng ở. Phòng ở số mấy thì phòng vệ sinh có số tương ứng. Công tắc điện mở đèn phòng vệ sinh cũng có số tương ứng với phòng vệ sinh. Công tắc không gắn số là công tắc mở đèn ở trước các phòng vệ sinh. Do quy định cấm trang điểm nên phòng vệ sinh không có gắng kiếng (gương) nên các bạn nam khỏi đem theo dao cạo râu chi cho mắc công. Vòi tắm nước nóng lạnh, sử dụng năng lượng mặt trời.

  • Khu giặt đồ và phơi đồ: Lầu 3 là nơi giặt đồ và phơi đồ. Có sẵn thau giặt đồ, ghế ngồi giặt đồ, móc phơi đồ.

Nội dung học của các ngày

  • Ngày 0 (buổi chiều của ngày hôm trước khi khóa thiền bắt đầu): điền lại biểu mẫu ghi danh và ký tên. Nộp bản sao chứng minh nhân dân. Sau đó tiến hành gởi điện thoại và vật dụng có giá trị vào tủ gởi đồ. Tủ gởi đồ mang số mấy thì bàn ăn và giường ngủ đều có cùng số với tủ gởi đồ. Lúc 18 giờ sẽ có chuông báo giờ ăn tối (ăn nhẹ) ngày đầu tiên. Lúc 19 giờ sẽ có buổi sinh hoạt đầu khóa. Kết thúc sinh hoạt đầu khóa thì các thiền sinh sẽ được gọi tên phát số lên thiền đường. Sẽ có người trong thiền đường hướng dẫn thiền sinh ngồi đúng vị trí số đã được phát. Luật im lặng thánh thiện bắt đầu được áp dụng kể từ lúc này. Đêm đầu sẽ được hướng dẫn thiền Anapana.

  • Ngày 1, 2, 3 (thiền Anapana): quan sát hơi thở.
  • Ngày 4 - 10: Thiền Vipassana: quan sát cảm giác trên chính thân thể của mình.

  • Ngày 4: Quan sát cảm giác trên vùng mũi.

  • Ngày 5: Quan sát cảm giác từng phần nhỏ từ đầu đến chân.

  • Ngày 6: Quan sát cảm giác từng phần nhỏ từ đầu đến chân và ngược lại (từ chân lên đầu).

  • Ngày 7, 8, 9: Quan sát song song và đối xứng nhau. Hai tay, hai chân, lưng, bụng. Các phần còn lại quan sát từng phần. Thứ tự quan sát cũng từ đầu đến chân và ngược lại từ chân lên đầu.

  • Ngày 10: Sau giờ thiền chung 8h - 9h, thì học thiền tâm từ (Metta Meditation).

    Nguyện cho tất cả được hạnh phúc, được an lạc, được giải thoát.
    Từ lúc này luật im lặng thánh thiện được dỡ bỏ. Tuy nhiên khi vào trong và xung quanh thiền đường thì vẫn phải giữ im lặng.

  • Ngày 11: 6h30 sáng là kết thúc khóa thiền. Thiền sinh ăn sáng rồi vệ sinh các vật dụng đã sử dụng: Giặc mùng, mền, chiếu, áo gối. Quét và lao dọn phòng ngủ lẫn nhà vệ sinh.

Vài kinh nghiệm về học thiền Vipassana

Không nên ăn no hay quá no. Không có lợi cho ngồi thiền. Vì no mà ngồi thì rất khó chịu. Kết thúc khóa thiền 10 ngày mình giảm được 4kg mà không cần cố gắng gì.

Nên đem theo một chai/bình đựng nước để lấy nước ở dưới nhà ăn đem lên phòng uống. Trên khu nhà ở không có bình nước uống.

Thường thì sự tiến bộ sẽ đến vào buổi chiều. Do đó ban sáng bạn thực hành không được thì đừng có nãn chí. Cứ kiên nhẫn thực hành. Sự tiến bộ sẽ đến vào buổi chiều và tối. Đây chỉ là cảm nhận cá nhân của mình thôi.

Bạn nào mất ngủ do nhớ nhà thì cứ nằm mà quan sát hơi thở (thiền Anapana), hoặc nằm quan sát cảm giác trên thân thể (thiền Vipassana). Chưa chắc khi thiền bạn sẽ ngủ được nhưng nếu không ngủ được thì sáng hôm sau bạn vẫn tỉnh táo chứ không phải đuối đừ.

Từ tối ngày thiền thứ 4 trở đi - ngày bắt đầu học thiền Vipassana, trong các giờ hành thiền chung ở thiền đường sẽ không cho đổi tư thế ngồi và không được mở mắt ra. Đây được gọi sự hành thiền với sự quyết tâm. Cơn đau sẽ đến vào lúc gần cuối giờ thiền, nếu đau quá khiến cho bạn không thể tập trung quan sát cảm giác thì bạn quay lại với thiền Anapana (quan sát hơi thở) sẽ giúp bạn vững tâm trở lại mà không đổi tư thế, nếu bạn vượt qua được trong lần đầu tiên thì các lần sau bạn sẽ vượt qua được dễ dàng. Bạn nên đổi cách suy nghĩ: thay vì nghĩ cơn đau của tôi, bạn nên suy nghĩ là đang có cơn đau thế thôi.

Phần hướng dẫn thiền sẽ được phát lại phần ghi âm hướng dẫn của thiền sư Goenka. Song ngữ Anh - Việt. Phần tiếng Anh là giọng trực tiếp của thiền sư Goenka (giọng Anh Ấn rất khó nghe). Phần tiếng Việt sẽ có thuyết minh. Mỗi buổi tối sẽ có nghe pháp thoại, lúc này thì thiền sinh nghe tiếng Việt sẽ nghe ở thiền đường chính, thiền sinh nghe tiếng Anh sẽ về thiền đường nhỏ nghe pháp thoại tiếng Anh. Sẽ có 2 thiền sư phụ tá (nam và nữ). Thiền sư phụ tá nam sẽ hướng dẫn và trả lời thắc mắc cho thiền sinh nam. Thiền sư phụ tá nữ thì hướng dẫn trả lời thắc mắc cho thiền sinh nữ. Thiền sư phụ tá là người nước ngoài do đó sẽ có thông dịch viên để thông dịch cho bạn. Các thiền sinh có thể gặp thiền sư phụ tá để tham vấn lúc 12 giờ và 21 giờ. Thiền sư phụ tá cũng chia thiền sinh thành các nhóm nhỏ gần 10 người để thiền nhóm. Trong một số giờ thiền sư phụ tá sẽ gọi lần lượt cá nhóm lên để thiền sư phụ tá hỏi xem có nhận diện được cảm giác hay không, giải đáp thắc mắc và hướng dẫn sau đó thiền với thiền sư phụ tá khoảng 5 phút.

Thiền sư Goenka cho rằng thiền Vipassana là phi tôn giáo. Mình thấy điều này đúng. Nhưng mỗi cuối buổi thiền thì thiền sư Goenka đều tụng niệm và ca vài câu bằng tiếng Pali cổ của Ấn Độ. Mặc dù thiền sư Goenka nói rằng tụng niệm là việc của thiền sư nhằm giúp thiền sinh thiền tốt hơn. Còn việc của thiền sinh là thiền. Nhưng mấy hôm đầu mình rất khó chịu với đều này. Mình thấy rằng sự tụng niệm này không giúp ích gì được cho mình. Được vài ba hôm thì mình cũng vượt qua được, xem như tiếng ồn gì đó và không quan tâm đến nó, cứ tiếp tục thiền.

Tư thế ngồi thiền Vipassana

Bạn chọn cách ngồi nào thoải mái cho bạn là được. Có một số người lớn tuổi không ngồi dưới đất được thì được cho ngồi trên ghế. Không có hướng dẫn chi tiết nào được đưa ra. Chỉ có lưu ý là khi ngồi thiền thì nên giữ lưng và cổ thẳng. Tay thì thả lỏng.

Mình google một vòng về tư thế tốt khi ngồi thiền thì thấy mọi người đều khuyên nên ngồi tư thế kiết già (tư thế hoa sen) - đây cũng là một bài tập của yoga (Padmasama). Tư thế kiết già ngồi như sau: Ngồi xếp bằng tự nhiên, dùng hai bàn tay nắm bàn chân phải từ từ gấp chân lại và đặt bàn chân lên đùi trái, gót chân ép sát bụng, lòng bàn chân ngửa lên trời. Kế tiếp dùng hai bàn tay nắm bàn chân trái gấp lại, đặt bàn chân trái lên đùi phải, kéo nhẹ gót chân vào sát bụng, bàn chân ngửa lên trời.

Clip minh họa cách ngồi kiết già

Thêm vài link về hướng dẫn cách ngồi kiết già và tư thế tay khi ngồi thiền:

  • https://www.youtube.com/watch?v=yXwgiocfiaQ
  • https://www.youtube.com/watch?v=1Qh3BE5ReAg
  • Chúc mọi người học được phương pháp thiền Vipassana và hưởng được các lợi lạc từ nó.

    ----------------

    P/s: Còn một địa chỉ khác để học thiền Vipassana là Trung tâm thiền Vipassana Hồng Trung Sơn. Địa chỉ: Xã Nam Cát Tiên, Huyện Tân Phú, Tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên nơi này không thuộc Ucenlist-VMA.

    Đặt phòng tại Agoda 
    Đặt phòng tại Booking 
    Booking.com
    Mua hàng trực tuyến tại 

    No comments: